249 lượt xem

Biến Atlat trở thành trợ thủ đắc lực nâng điểm môn Địa Lý

Atlat Địa lý là tài liệu các thí sinh được phép mang vào phòng thi. Nếu biết tận dụng tài liệu này các bạn có thể đạt được số điểm cao, tăng cơ hội đỗ vào các trường ĐH, CĐ.

Nắm rõ bố cục Atlat trong môn Địa lý

Theo ban tư vấn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur  đã cập nhật thông tin chia sẻ từ giáo viên giảng dạy môn Địa lý như sau:

Nắm rõ bố cục Atlat trong môn Địa lý

Atlat địa lý được sắp xếp thành 4 phần, tương ứng với 4 nội dung chính trong sách giáo khoa Địa lý 12. Nắm rõ được bố cục của Atlat, các thí sinh có thể nhanh chóng tìm được vùng kiến thức mình muốn tra cứu. Khi khai thác Atlat, cố gắng khai thác triệt để nội dung trong từng trang Atlat. Mỗi trang Atlat đều có hai nội dung: Nội dung chính được thể hiện trên bản đồ chính; Nội dung phụ gồm bản đồ phụ (nhỏ), biểu đồ, tranh ảnh, chú giải…

Ký hiệu chung Atlat được thể hiện ở trang 3 Atlat, được sử dụng chung cho tất cả các trang. Nếu các em học sinh thường xuyên sử dụng Atlat có thể nhớ được những kí hiệu này để lúc làm bài không mất thời gian.

Ký hiệu riêng: Thể hiện ở từng trang Atlat riêng thì các em học sinh cần lưu ý: Có những ký hiệu gần giống nhau nên dễ nhầm lẫn. Ví dụ: Các mỏ khoáng sản và ngành công nghiệp khai thác khoáng sản; Sau khi xác định vị trí, đọc tên các đối tượng địa lý trên bản đồ; Mô tả đặc điểm, xác định các mối quan hệ giữa các đối tượng trên bản đồ. Các em học sinh cần tiến hành khai thác Atlat theo các bước sau: Đọc tên trang để biết nội dung được thể hiện; Đọc, tìm hiểu hệ thống ký hiệu; Xác định tên, đặc điểm, mối quan hệ của các đối tượng địa lý.

Atlat là tài liệu được mang vào phòng thi

Các bước trả lời câu hỏi môn Địa Lý

Hầu hết, các câu hỏi khai thác Atlat trong đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2020 môn Địa lý là dạng câu hỏi đơn giản; chủ yếu là câu hỏi chỉ cần nhìn vào trang Atlat cụ thể trả lời được ngay. Đối tượng câu hỏi loại này rất trực quan, thí sinh có thể dễ dàng lấy điểm.

Ví dụ: Căn cứ vào Atlat địa lý Việt Nam trang 4-5, cho biết tỉnh nào sau đây không giáp biển?

  • Ninh Thuận.
  • Đồng Nai.
  • Tây Ninh.
  • Bình Phước.

(Câu 70- đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD& ĐT)

Các bước trả lời câu hỏi: Bước 1: Xác định đối tượng địa lý và trang Atlat cần sử dụng; Bước 2: Đọc bảng chú giải, tìm ký hiệu tương ứng với đối tượng; Bước 3: Lựa chọn đáp án đúng.

Với câu hỏi phức tạp sẽ ít gặp hơn trong các đề thi. Dạng bài này đòi hỏi sự kết hợp các kiến thức đã học và kết hợp nhiều trang Atlat hoặc phải khai thác tối đa các biểu đồ, bản đồ có trong trang Atlat đó, thậm chí phải xử lý số liệu… Để làm tốt, thí sinh phải tư duy qua nhiều bước để đi đến câu trả lời.

Ví dụ: Căn cứ vào Atlat địa lý Việt Nam trang 22, hãy cho biết nhận xét nào sau đây đúng với ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm:

  • Giai đoạn 2000 – 2007, giá trị sản xuất tăng thêm 173,7%.
  • Tỉ trọng giảm liên tục trong giai đoạn 2000 – 2007.
  • Giá trị sản xuất tăng thêm 13,25 nghìn tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2000-2007.
  • Giá trị tăng thêm bình quân hàng năm của giai đoạn 2000 -2005 nhiều hơn giai đoạn 2005 – 2007.

Để trả lời câu hỏi trên, thực hiện như sau:

  • Bước 1: Gạch chân từ khóa, xác định các đối tượng địa lý và trang Atlat cần sử dụng;
  • Bước 2: Đọc bảng chú giải, tìm ký hiệu tương ứng với các đối tượng;
  • Bước 3: Phân tích, tìm mối quan hệ giữa các đối tượng; Bước 4: Lựa chọn đáp án đúng.

Các em học sinh cũng cần lưu ý, khi đọc Atlat phải đọc theo trật tự để tránh bỏ sót các đối tượng theo yêu cầu của đề thi.

Sử dụng Atlat cho câu hỏi lý thuyết

Thông thường Atlat địa lý được học sinh dùng cho các câu hỏi bắt đầu bằng “Căn cứ vào Atlat địa lý Việt Nam trang…”, nhưng thực tế có khá nhiều câu hỏi lý thuyết có thể sử dụng Atlat. Một điều khá thú vị nữa, trong Atlat có nhiều biểu đồ và số liệu, các em có thể tham khảo để sử dụng Atlat cho các câu hỏi liên quan đến biểu đồ, bảng số liệu.

Ví dụ: Đồng bằng sông Cửu Long không có:

  1. nhiều nhóm đất khác nhau.
  2. khí hậu xích đạo rõ rệt.
  3. hệ thống kênh rạch dày đặc.
  4. nhiều khoáng sản kim loại.

(Câu 70- đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020)

Với câu này, các em học sinh  sử dụng Atlat trang 8, 9, 10, 11, 29 để chọn được đáp án.

Thực tế, câu hỏi Atlat phần lớn không khó, nhưng ít sử dụng Atlat, chỉ chờ lúc đi thi mới mang, các em sẽ lúng túng và mất nhiều thời gian. Để rèn phản xạ nhanh với Atlat, cách duy nhất là các em sử dụng thường xuyên và ghi nhớ các ký hiệu có trong Atlat.

Chúc các thí sinh sẽ đạt điểm cao trong Kỳ thi sắp tới!

Nguồn: truongcaodangyduochcm.edu.vn – Tổng hợp